Chỉ cần ra chợ Kim Biên mua bốn, năm loại hóa chất hòa lại với nhau, ai cũng có thể sản xuất ra nước rửa chén rẻ tiền.
Trên thị trường hiện nay có bày bán nhiều loại nước tẩy rửa không nhãn mác hoặc những nhãn hiệu trời ơi đất hỡi, giá cả rất bình dân. Người rành rẽ cho biết đó là những loại nước tự pha chế thủ công từ các loại hóa chất không rõ nguồn gốc mà ai cũng có thể làm. Chúng tôi đã thử tìm hiểu thực hư.
Làm để bán chớ không dám xài !
Nhờ một “mối” quen giới thiệu, bà Lan, người có thâm niên khá lâu trong giới sản xuất nước rửa chén rẻ tiền ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), không ngần ngại chuyển giao cho chúng tôi “công nghệ” sản xuất. Theo bà Lan, các hóa chất để làm ra nước rửa chén được bày bán ở chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM) đầy rẫy. “Công nghệ” sản xuất cũng hết sức đơn giản, làm thủ công. Khoảng 2 tiếng cho ra một mẻ.. “Hiện tôi bỏ cho các quán ăn, tiệm tạp hóa… với giá mỗi lít chỉ 4.000 đồng. Giá rẻ rề nên nước rửa chén do tôi sản xuất… “đánh bật” các nước rửa chén mắc tiền. Mỗi ngày chúng tôi cho ra lò không dưới 100 lít” – bà Lan chẳng giấu giếm.
Chúng tôi nhẩm tính chỉ bỏ ra khoảng 42.000 đồng cùng ít công sức để làm ra 25 lít nước rửa chén nhưng thu được 100.000 đồng thì quả… lời to !
Bà Lan cho biết las làm ngứa và lột da tay. Tuy nhiên, nếu pha chung với các thành phần khác thì mức độ gây hại da tay giảm đi. “Vì là chỗ quen biết nên nói thiệt, do sợ ngứa tay, sợ các hóa chất còn dính lại trên chén, đĩa sau khi rửa, gây hại cho sức khỏe nên tôi không dám dùng nước do tôi làm ra, mà chỉ dùng nước rửa chén có nhãn hiệu rõ ràng” – bà Lan bật mí.
Ham rẻ…dễ “ôm” bệnh !
Nước rửa chén rẻ tiền hiện được sử dụng khá nhiều trong gia đình, quán ăn, quán nhậu…, được bày bán ở các chợ. Nắm bắt tâm lý thích của rẻ, lại thấy dễ ăn nên không ít người tham gia sản xuất, quảng cáo hướng dẫn công nghệ trên mạng.
Từ số điện thoại 0934827…đăng trên một trang web, chúng tôi liên hệ và gặp bà Thu, người nhận chuyển giao cách làm nước rửa chén. Bà Thu cho biết thời gian hướng dẫn chỉ gói gọn trong nửa ngày với học phí…500.000 đồng và phải đăng ký trước để sắp chỗ, sắp lớp vì học viên khá đông.
Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Trưởng khoa Công nghệ hóa học (Trường Đại học Bách khoa TP.HCM), cho biết nước rửa chén đảm bảo chất lượng phải sử dụng hóa chất dùng trong thực phẩm, bao gồm Sodium Dodecyl Benzen Sulfonate (las), Sodium Silicate (tạo độ pH, chống bám bẩn, hỗ trợ thẩm ướt), màu, mùi… “Tuy nhiên, do giá thành hóa chất dùng trong thực phẩm cao nên nhiều người sử dụng hóa chất dùng trong công nghiệp hoặc nguyên liệu trôi nổi với giá thành rẻ để sản xuất nước rửa chén” – Tiến sĩ Quân nhận định.
Theo Tiến sĩ Quân, do sử dụng nguyên liệu rẻ tiền, lại pha trộn liều lượng không thích hợp nên phát sinh nhiều phản ứng hóa học, tạo ra những độc tố hiện diện trong nước rửa chén, gây hại cho người sử dụng.
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam), cho rằng nếu chén đĩa tráng không sạch sau khi sử dụng bằng nước rửa chén rẻ tiền thì những độc tố sẽ lưu lại. Khi sử dụng chén đĩa, những độc tố này đi vào cơ thể và tích tụ dần, lâu ngày có thể làm tổn hại đến gan, thận, thậm chí làm thủng ruột…
Tác hại khôn lường
Bác sĩ Nguyễn Thị Phan Thúy, BV Da liễu TP.HCM, cho biết nếu tiếp xúc với hóa chất không nguồn gốc dễ bị viêm da tiếp xúc (còn gọi chàm tiếp xúc). Biểu hiện của bệnh là da tay bị ngứa, đỏ, nhiễm trùng, nổi mủ… Hóa chất không nguồn gốc còn gây ra những bệnh lý khác. Trong khi đó, một bác sĩ của BV Da liễu TP.HCM cho biết từng điều trị những bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do sử dụng nước rửa chén rẻ tiền, không nguồn gốc.
(Theo Pháp Luật)