Không quá 30 phút sau khi dùng một số hoá chất pha trộn với nước lã – một “chuyên gia” đã cho ra đời sản phẩm nước rửa chén (bát) có chất sền sệt hoàn hảo như nước rửa chén “xịn”.
Hóa chất bày bán ở chợ Kim Biên để chế biến nước rửa chén
Không ít người tiêu dùng đã bị bong da tay, khô da, gây dị ứng khi tiếp xúc, thậm chí còn gây ngộ độc mãn tính và nhiều bệnh về đường tiêu hóa khác khi nước rửa chén rẻ tiền này còn dính ở bát đĩa sau khi rửa và vào cơ thể qua đường ăn uống.
Công nghệ pha hóa chất
Trong vai một nhà phân phối, đến một cơ sở sản xuất nước rửa chén không thương hiệu trên con hẻm tại phường 22 quận Bình Thạnh (TPHCM), tôi được chủ cơ sở này đón nhận rất niềm nở.
Ông T.- chủ cơ sở chế biến dẫn tôi đi xem “phân xưởng” làm nước rửa chén. Đó chỉ là một căn phòng trọ diện tích chưa đầy 10m2, bên trong không có bất kỳ một loại máy móc nào ngoài những chiếc xô, chậu, can bằng nhựa và inox cùng với hơn 10 bao hóa chất dùng để pha chế nước rửa chén.
Ông T – vốn được bạn bè gọi là “chuyên gia” pha chế nước rửa chén – xởi lởi cho biết: “Cho chất lỏng Las vào chậu nước, cho chất Sút (NAOH) vào quấy rồi cho tiếp Natri Sun-phát. Tiếp đến là cho thêm chất tẩy Triply. Công đoạn quan trọng là cho thêm Amol Clorua và màu công nghiệp. Kết quả thu được là một hỗn hợp sền sệt mà người ta gọi chung là nước rửa chén”.
Theo ông T., khi pha chế phải đeo khẩu trang để tránh bụi, khói của hóa chất xâm hại vào đường hô hấp. Phải đeo găng tay cao su để tránh bị hóa chất ăn tay hoặc gây bỏng. Dụng cụ dùng để pha chế và chứa hoá chất phải bằng nhựa. Đồ kim loại sẽ bị hóa chất ăn mòn ngay.
Chủ cơ sở cho biết hiện có đến hàng trăm nhà hàng lớn nhỏ trên địa bàn thành phố dùng nước rửa chén của ông. Mỗi tháng ông xuất xưởng từ 3.000 đến 5.000 lít, chủ yếu là khu vực thành phố và một số tỉnh lân cận như Bình Dương và Long An.
Tràn lan nước rửa chén “dỏm”
Anh Nguyễn Văn Vinh – nhân viên bán hóa chất tại cửa hàng số 40 chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM), khách hàng đến đây đều tìm những loại hóa chất có tính tẩy rửa cực mạnh như: LAS, Sút, Natri Sunphat, chất tẩy (Tripoly), Amol Clorua và các chất phụ như màu công nghiệp, hương liệu, chất tạo đặc HEC… về pha chế.
Khi hỏi giá cả, anh Vinh không ngần ngại: “Hóa chất để pha chế loại này “rẻ như bèo” nên việc bán mỗi lít nước rửa chén có giá từ 2.000- 3.000 đồng, người sản xuất vẫn còn lời chán”.
Việc pha chế không quá cầu kỳ nên đã có rất nhiều “phân xưởng” như của ông T. mọc lên nhan nhản khiến cho thị trường tràn ngập nước rửa chén “dỏm”.
Tại các cửa hàng tạp hóa ở Chợ Lớn, chợ Bình Chánh, chợ Bà Chiểu, chợ Gò Vấp, chợ Thủ Đức và chợ Thị Nghè… đều bày bán nước rửa chén không thương hiệu.
Chị Ngọc Dung- chủ sạp 32B, chợ Tân Sơn Nhất (phường 2, quận Gò Vấp) cho biết: Dù không có thương hiệu, chất lượng kém hơn so với các mặt hàng nước rửa chén có đăng ký chất lượng và được phép lưu hành trên thị trường nhưng do giá “mềm” nên mặt hàng này rất dễ bán.
“Mỗi tháng tui bán được trên 1.000 lít. Khách hàng chủ yếu là những nhà hàng, quán ăn, tiệm cà phê … mua về sử dụng vì giá rẻ”- Chị Dung nói.
Mặc dù sản phẩm nước rửa chén không thương hiệu và nhãn mác tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người tiêu dùng, nhưng ngành y tế và quản lý thị trường vẫn dường như phó mặc cho người tiêu dùng.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Mai- Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế Công Cộng TP.HCM khẳng định: “Các hóa chất được sử dụng để điều chế nước rửa chén dởm như LAS, sút, muối Natri Sunphát, Tripoly, màu công nghiệp với nồng độ không kiểm soát được gây ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người.
Ngoài việc làm hại da tay, nó có thể gây thủng ruột và gây ngộ độc mãn tính nếu như bị các hóa chất này đi vào cơ thể qua đường ăn uống. Khi xâm nhập vào cơ thể các hoá chất sẽ làm tổn hại đến gan, thận và các bệnh đường ruột lâu dài và cũng có thể là một trong những nguyên nhân dẫn tới ung thư…”
(Theo Tiền Phong)